Lịch sử Lò phản xạ

Lò phản xạ Nirayama (韮山, Cửu Sơn) ở Izunokuni, Shizuoka, Nhật Bản. Được xây dựng từ tháng 11 năm 1853, sau 3,5 năm đã hoàn thành vào năm 1857 và vận hành đến năm 1864. Được công nhận là di tích lịch sử ngày 8 tháng 3 năm 1922, Di sản Hiện đại hóa công nghiệp Nhật Bản ngày 30 tháng 11 năm 2007.[3]

Các lò phản xạ đầu tiên có lẽ được xây dựng trong thời Trung cổ và được sử dụng để nấu chảy đồng thanh phục vụ đúc chuông. Chúng được sử dụng để nấu luyện kim loại lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 17. Tòng nam tước Clement Clerke và con trai ông là Talbot đã xây dựng các lò đứng hay lò phản xạ trong hẻm núi Avon phía dưới Bristol vào khoảng năm 1678.[4][5] Năm 1687, trong khi bị cản trở không được nấu luyện chì (do kiện tụng), họ đã chuyển sang nấu luyện đồng.[4][5] Trong thập niên tiếp theo, lò phản xạ được chấp nhận rộng khắp để nấu luyện các kim loại này và thiếc. Chúng có ưu thế so với các phương thức cũ hơn ở chỗ nhiên liệu là than khoáng chứ không phải than củi hay 'than trắng' (gỗ khô chặt khúc).

Trong thập niên 1690 họ (hoặc những người cộng tác) đã dùng lò phản xạ (được biết đến như là lò khí) để nấu chảy gang thỏi phục vụ cho các công việc đúc. Nó được sử dụng tại Coalbrookdale và nhiều nơi khác, nhưng trở thành lỗi thời vào cuối thế kỷ 18 với sự giới thiệu các lò đứng xưởng đúc, một thể loại lò cao nhỏ cũng như là một thể loại lò phản xạ rất khác biệt.

Lò puddling được Henry Cort giới thiệu trong thập niên 1780 để thay thế quy trình tinh luyện, cũng là một loại lò phản xạ.